ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
HỘI LOÃNG XƯƠNG TP HỒ CHÍ MINH
CHƯƠNG I
TÊN GỌI – TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH
Điều 1 : Hội lấy tên là Hội Loãng xương Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tên giao dịch quốc tế : The Hochiminh City Osteoporosis Association ( HCOA)
Điều 2 : Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh (dưới đây gọi tắt là Hội) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của nghững người làm công tác nghiên cứu khoa học hay chuyên môn nghiệp vụ ngành Y, công và tư, đang tại chức hay đã nghỉ hưu, ở các lĩnh vực chuyên khoa : Thấp khớp học, Nội tiết-Chuyển hoá, Chấn thương Chỉnh hình, Sản phụ khoa, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng…và các chuyên khoa có liên quan khác (Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa,) và yêu thích lĩnh vực Loãng xương và chuyển hoá khoáng chất trên địa bàn TP HCM.
Điều 3 : Hội Loãng xương TP HCM hoạt động trên phạm vi TP HCM, là thành viên của Hội Y Học TP HCM, thuộc Tổng Hội Y Học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa Học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh
– Hội Loãng xương hoạt động theo luật pháp Nhà Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều lệ của Hội và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Y tế TP HCM.
– Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Ngân Hàng.
– Hội có trụ sở đặt tại Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh
Điều 4 : Tôn chỉ – Mục đích của Hội
Là tập hợp, đoàn kết, động viên lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật ngành y thuộc các lĩnh vực chuyên khoa : Thấp khớp học, Nội tiết-Chuyển hoá, Chấn thương Chỉnh hình, Sản phụ khoa, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng…và các chuyên khoa có liên quan khác (Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa,) và yêu thích lĩnh vực Loãng xương và chuyển hoá khoáng chất , thuộc mọi thành phần kinh tế, phấn đấu học tập và công tác, tham gia xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật y khoa, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, thực hành nghề nghiệp đúng theo chuẩn mực nghĩa vụ và đạo đức, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân, xây dựng một nền y học tiên tiến.
CHƯƠNG II
CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI
Điều 5 : Chức năng
1. Là một Hội Khoa Học, Hội tập hợp, động viên hội viên tham gia đẩy mạnh hoạt động khoa học kỹ thuật, hoạt động tư vấn, phản biện, giám định khoa học công nghệ về lĩnh vực Loãng xương.
2. Là một Hội nghề nghiệp, Hội tổ chức vận động, giám sát và giúp đỡ hội viên ngành nghề đúng quy định của pháp luật ; tham gia với ngành nghề y tế trong việc quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho những hội viên hành nghề, giữ gìn và bảo vệ uy tín của của người thầy thuốc và danh dự của ngành nghề. Hội còn là tổ chức bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên trước pháp luật và công luận.
Điều 6 : Nhiệm vụ :
1. Hoạt động theo đúng điều lệ đã được phê duyệt.
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội
3. Tập hợp đoàn kết tập thể trí thức khoa học kỹ thuật trong ngành y; xây dựng và phát triển tổ chức; quản lý và thúc đẩy hoạt động của Hội và của các Chi hội
4. Tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Hội theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân
5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển của Hội và lĩnh vực Hội hoạt động.
6. Báo cáo với các cơ quan thẩm quyền về tình hình tổ chức và hoạt động Hội theo đúng quy định của pháp luật
7. Chấp hành quy định của Pháp luật trong việc sử dụng kinh phí và tài sản, tài chánh của Hội
8. Tôn trọng điều lệ của Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học TP, và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM
9. Chấp hành quy định của pháp luật trong việc sử dụng kinh phí và tài sản, tài chính của Hội.
10. Lập hồ sơ và lưu giữ tại trụ sở Hội các tài liệu : danh sách hội viên các Chi Hội, các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc Hội, các chứng từ về tài chánh của Hội, biên bản các cuộc họp Ban lãnh đạo Hội.
Điều 7 : Quyền hạn :
1. Đại diện cho các tổ chức thành viên và hội viên trong các hoạt động có liên quan đến mục đích và nhiệm vụ của Hội.
2. Làm đầu mối quan hệ giữa các Hội thành viên với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong tổ chức và hoạt động của Hội ; quản lý hướng dẫn và thực hiện các hoạt động đối ngoại và hợp tác trong ngoài nước thuộc phạm vi Hội.
3. Thực hiện chức năng của một Hội nghề nghiệp trong việc tập hợp quản lý và giám sát việc hành nghề của hội viên ; bảo vệ quyền hành nghề chinh đáng và danh dự của hội viên ; động viên giúp đỡ và giáo dục hội viên tuân thủ các quy định và quy chế hành nghề của Nhà nước, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, giữ gìn và phát huy đạo đức nghề nghiệp (Y đức); góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của người thầy thuốc cũng như uy tín của ngành y tế trong xã hội.
4. Được gây quỹ hội viên trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn từ hoạt động kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
5. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật
6. Khen thưởng và đề xuất : các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các Chi hội và Hội viên có nhiều thành tích.
7. Xem xét xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật đối với các Chi hội và Hội viên có hành động sai trái, vi phạm điều lệ Hội, quy định của Đảng và Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoạt động của Hội
CHƯƠNG III
HỘI VIÊN
Điều 8 : Những người có đủ tiêu chuẩn sau đây, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức thành viên của Hội, có thể được BCH cơ sở của Hội xét công nhận là Hội viên :
1. Hội viên chính thức :
Là bác sĩ và cán bộ khoa học kỹ thuật từ trung cấp trở lên hoạt động trong lĩnh vực chuyên khoa : Thấp khớp học, Nội tiết-Chuyển hoá, Chấn thương Chỉnh hình, Sản phụ khoa, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng…và các chuyên khoa có liên quan khác (Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa,) và yêu thích lĩnh vực Loãng xương và chuyển hoá khoáng chất, đang chức hoặc nghỉ hưu, thuộc mọi thành phần kinh tế, chấp nhận điều lệ và ghi tên tham gia vào Hội.
2. Hội viên danh dự :
Là những hội viên được BCH Hội mời tham gia với tư cách là hội viên danh dự. Đây là những người là cán bộ khoa học kỹ thuật trong ngành y tế, đã có nhiều cống hiến cho Y học và sự phát triển của Hội.
3. Hội viên liên kết :
Là những người không đủ điều kiện trở thành hội viên chính thức, nhưng có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Hội, tự nguyện tham gia trong một tổ chức của Hội, và được BCH Hội chấp thuận.
Hội viên liên kết không có quyền tham gia biểu quyết, ứng cử, bầu cử vào BCH các cấp của Hội.
4. Hội viên ngoài thành phố Hồ Chí Minh :
Là những cán bộ khoa học kỹ thuật hoạt động trong ngành y tế của các tỉnh thành khác, nếu tự nguyện ghi tên vào một Hội thành viên của Hội, sẽ được BCH cơ sở Hội xét công nhận là hội viên chính thức với đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn.
Điều 9 : Nhiệm vụ và quyền hạn của hội viên :
1. Nhiệm vụ :
a) Tôn trọng điều lệ của Hội và quy chế hoạt động của tổ chức thành viên mà hội viên đó gia nhập ; nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của BCH các cấp của Hội.
b) Giữ vững và bảo vệ sự đoàn kết trong Hội, tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, trau dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, giữ vững uy tín của cá nhân và tập thể y giới, đấu tranh chống những tư tưởng và hành động có hại đến nhiệm vụ, uy tín, danh dự của Hội và của ngành nghề.
c) Tham gia mọi sinh hoạt trong hệ thống Hội, tích cực góp phần vào việc xây dựng và phát triển của Hội.
d) Đóng góp Hội phí theo quy định.
2. Hội viên có quyền :
a) Thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội, ứng cử và bầu cử vào BCH các cấp của Hội theo quy định (trừ hội viên liên kết).
b) Được thông tin bồi dưỡng kiến thức về chính trị và chuyên môn; được khuyến khích phát huy năng lực về mọi mặt ; được tạo điều kiện để phát triển khả năng.
c) Được tham gia trình bày các đề tài nghiên cứu khoa học của mình trong các buổi sinh hoạt KHKT ; được giới thiệu đăng các bài viết và các công trình nghiên cứu của mình vào các tạp chí khoa học trong hệ thống y tế ; được công nhận và bảo vệ quyền tác giả, sáng chế, được các tổ chức của Hội nhận xét về các công trình, công tác của mình khi cần thiết, chọn lọc để đề nghị khen thưởng, nâng cấp học hàm học vị; được chứng nhận và giới thiệu về tư cách đạo đức và chuyên môn trong các hoạt động nghề nghiệp.
d) Được giới thiệu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hành nghề.
e) Được bảo vệ quyền lợi chính đáng và danh dự của mình trước pháp luật và công luận.
f) Được hưởng mọi quyền lợi khác do tổ chức Hội quy định.
g) Được quyền xin ra khỏi Hội.
Điều 10 : Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức thành viên :
1. Tổ chức thành viên : là những tổ chức làm công tác nghiên cứu khoa học hay chuyên môn nghiệp vụ ngành y, tự nguyện tham gia vào Hội Loãng xương TP HCM
2. Nhiệm vụ :
a) Tôn trọng và thi hành điều lệ cùng các nghị quyết và chủ trương của Hội.
b) Xây dựng và phát triển tổ chức; tập hợp, đoàn kết và động viên hội viên hưởng ứng tham gia các hoạt động của Hội.
c) Thường xuyên tổ chức các sinh hoạt thông tin, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động khác nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của tổ chức và của hội viên.
d) Tăng cường các hoạt động đối ngoại trong khuôn khổ pháp luật theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
e) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của tổ chức Hội. Đóng góp Hội phí theo quy định.
3. Quyền hạn :
a) Đóng góp ý kiến, thảo luận, phê bình công việc của tổ chức cấp trên.
b) Giới thiệu người ứng cử vào BCH các cấp Hội theo quy định.
c) Được tham gia vào các tổ chức khác trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước.
d) Được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tổ chức, phát triển KHKT và ngành nghề.
CHƯƠNG IV
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI LOÃNG XƯƠNG TPHCM
Điều 11 : Hội Loãng xương TP HCM được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, dân chủ và khoa học
Hội Loãng xương TP HCM bao gồm các thành viên là :
– Các Chi Hội của các hội viên hành nghề trong các lĩnh vực chuyên khoa : Thấp khớp học, Nội tiết-Chuyển hoá, Chấn thương Chỉnh hình, Sản phụ khoa, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng…và các chuyên khoa có liên quan khác (Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa,) và yêu thích lĩnh vực Loãng xương và chuyển hoá khoáng chất trên địa bàn TP HCM
– Hội Loãng xương TP HCM còn có thể tổ chức các đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ kinh tế, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, tạp chí và các Câu lạc bộ tập hợp thành từng nhóm hội viên để sinh hoạt, bồi dưỡng về chuyên môn của chuyên ngành Loãng xương và chuyển hoá khoáng chất, giữ gìn và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
– Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại Hội đại biểu của Hội, họp thường lệ 2 năm một lần. Đại hội họp bất thường khi có ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành của Hội hoặc quá 1/2 tổng số hội thành viên chinh thức đề nghị. Số đại biểu tham dự Đại Hội do Ban chấp hành Hội qui định.
Điều 12 : Đại Hội Đại biểu của Hội có nhiệm vụ :
1. Thông qua báo cáo tổng kết hoạt động Hội và báo cáo của Ban chấp hành đương nhiệm, quyết định đường lối và phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.
2. Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi (nếu có) điều lệ Hội.
3. Bầu ra BCH mới của Hội theo thể thức và số lượng do Đại Hội quy định từ danh sách đã được BCH đương nhiệm đề xuất sau khi tham khảo ý kiến của các đơn vị cơ sở.
4. Thông qua báo cáo tài chánh của Hội .
5. Biểu quyết việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hội hoặc gia nhập Liên hiệp các Hội cùng lĩnh vực hoạt động.
Điều 13 : Ban chấp hành (BCH)
1. Nhiệm kỳ của BCH Hội và của các Chi hội là 2 năm.
2. BCH Hội thường lệ họp 1 năm một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc có ít nhất 1/3 tổng số ủy viên BCH.
3. BCH có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại Hội Đại Biểu của Hội, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Hội giữa 2 kỳ đại hội và quyết định cơ cấu tổ chức của BCH Hội.
4. Khi xét thấy cần thiết, BCH với sự nhất trí của ít nhất 2/3 tổng số ủy viên tham dự có thể quyết định bổ sung hay miễn nhiệm ủy viên BCH của Hội, giải thể hoặc xóa tên một tổ chức thành viên của Hội.
Điều 14 : Ban chấp Hành bầu ra Ban Thường vụ gồm : Chủ Tịch, các Phó Chủ Tịch,
Tổng thư ký và các Uy viên thường vụ.
Thể thức bầu do BCH quy định. Số ủy viên BTV không quá 1/3 tổng số ủy viên BCH.
Ban Thường Vụ có các Ban chuyên trách :
– Ban Tổ chức – Đối ngoại
– Ban Kiểm tra – Thi đua, Khen thưởng, Kỷ luật
– Ban Thư ký
– Ban Khoa học Kỹ thuật và Đào tạo
– Ban Thông tin – Báo chí
– Ban chuyên trách về hành nghề y tế tư nhân
Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc Uy viên thường vụ được phân công phụ trách các ban.
Ban Thường Vụ họp thường lệ 3 tháng một lần. Trong trường hợp cần thiết Chủ Tịch có quyền triệu tập hội nghị bất thường của Ban Thường Vụ.
Điều 15 : Ban chấp hành biểu quyết theo nguyên tắc đa số hay quá bán của Ban Chấp Hành.
Nghị quyết của Ban chấp hành chỉ có giá trị khi được thông qua trong các phiên họp với sự tham dự tối thiểu trên 1/2 tổng số ủy viên.
Trong những trường hợp đặc biệt, không thể tổ chức họp đa số ủy viên, thì có thể tổ chức lấy ý kiến bằng thư, nhưng phải có đủ chữ ký của trên 1/2 tổng số ủy viên BCH
Điều 16 :
1. Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Hội suốt nhiệm kỳ, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của BCH và BTV, đề xuất những định hướng có tính chiến lược cho sự phát triển của Hội, quyết định những vấn đề đã được tập thể nhất trí thông qua.
2. Các Phó Chủ tịch trong đó có Phó Chủ Tịch thường trực có trách nhiệm giúp Chủ Tịch trong mọi mặt công tác theo sự phân công. Khi Chủ Tịch vắng mặt, Phó Chủ Tịch thường trực sẽ thay thế. Các Uy viên thường vụ được phân công phụ trách các Ban chuyên môn.
3. Tổng thư ký của Hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của Hội theo chủ trương và kế hoặch đã được BCH hoặc BTV đề ra ; quản lý và điều hành các công việc thường xuyên của Hội ; theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động của Hội và các tổ chức thành viên, báo cáo định kỳ cho Chủ Tịch, BTV và BCH Hội.
4. Giúp việc cho Tổng Thư ký có Ban thư ký do Tổng thư ký đề cử và BTV thông qua.
5. Khi khuyết Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký hoặc Ủy viên thường vụ, thì BCH cử bổ sung số Ủy viên BCH với sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 17 : BCH bầu ra Ban kiểm tra và Hội đồng khen thưởng và kỷ luật của Hội. Ban kiểm tra có các quyền hạn và nhiệm vụ :
1. Kiểm tra các tổ chức trực thuộc Hội khi có dấu hiệu vi phạm điều lệ Hội.
2. Kiểm tra các hoạt động kinh tế tài chánh cùng các hoạt động khác của Hội và các tổ chức trực thuộc.
3. Xem xét giải quyết các đơn khiếu tố.
4. Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ủy viên Ban kiển tra các Hội và Liên Chi hội thành viên nếu có.
Điều 18 : Các Chi Hội là thành viên của Hội
1. BCH các tổ chức thành viên do Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể của tổ chức đó bầu ra, có số ủy viên không quá 10% tổng số hội viên và tối đa không quá 25 người. Nếu BCH có từ 9 ủy viên trở lên thì có thể bầu ra BTV gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và 1-2 Thư ký. Số Ủy viên thường vụ không quá 1/3 số Ủy viên BCH.
2. Các Hội thành viên chuyên khoa tùy theo điều kiện, có thể tổ chức các Chi Hội chuyên khoa tại các đơn vị y tế có đông hội viên. Riêng các Chi Hội hành nghề được tổ chức theo địa bàn Quận Huyện.
CHƯƠNG V
TÀI CHÁNH CỦA HỘI
Điều 19 : Tài chính của Hội Loãng xương TP HCM bao gồm :
1. Hội phí do các Hội viên đóng góp.
2. Kinh phí do Nhà nước hỗ trợ (nếu có)
3. Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ kinh tế của Hội theo quy định của Nhà nước.
4. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quy định của Pháp luật
Điều 20 : Tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của BCH Hội, phù hợp với quy định quản lý tài chánh của Nhà nước và pháp luật hiện hành.
CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 21 : Các Chi hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và cá nhân hội viên có nhiều đóng góp và thành tích trong công tác xây dựng và phát triển Hội có thể được Hội khen thưởng hoặc đề xuất lên các cấp khen thưởng.
Điều 22 : Các Chi hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và cá nhân hội viên vi phạm điều lệ của Hội, hoặc có những hành vi làm tổn hại đến các hoạt động và uy tín của Hội, thì tuỳ theo mức độ, có thể chịu các hình thức kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo, đến khai trừ ra khỏi các tổ chức của Hội.
Điều 23 : Trong phạm vi hành nghề, trên tinh thần tự quản, những sai lầm về chuyên môn, về nghĩa vụ cũng như về đạo đức của Hội viên đều được đưa ra Hội đồng kỷ luật xem xét và có ý kiến xử lý.
Các trường hợp nghiêm trọng có thể đưa đến quyết định không còn được công nhận là Hội viên, đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế xem xét thu hồi giấy phép hành nghề
CHƯƠNG VII
HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU LỆ
Điều 24 : Bản Điều lệ này có hiệu lực kể từ khi Đại hội Đại Biểu Hội Loãng xương TP HCM thông qua và Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt
Điều 25 : Chỉ có Đại hội Đại Biểu Hội Loãng xương TP HCM mới có quyền bổ xung, sửa đổi Điều lệ này với 2/3 số đại biểu có mặt tán thành và được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có giá trị thi hành.
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG HỘI LOÃNG XƯƠNG TP. HCM 2006 – 2008:
1. Hoàn chỉnh Điều lệ của Hội và nội dung, phương hướng hoạt động Hội.
2. Hoàn thiện tổ chức của Hội và phân công nhiệm vụ của Ban Chấp hành Hội Loãng xương TP HCM, các uỷ viên phụ trách các lĩnh vực chuyên môn (Thấp khớp học, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Cột sống, Dinh dưỡng, Sản phụ khoa, Lão khoa…).
3. Tổ chức các chi hội chuyên khoa: chuyên khoa Cơ Xương Khớp, chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá, chuyên khoa Dinh dưỡng, chuyên khoa Phụ sản, chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, chuyên khoa Cột sống, chuyên khoa Phục hồi chức năng, chuyên khoa Lão khoa và Nội tổng quát….
4. Hoàn chỉnh danh sách Hội viên của Hội Loãng xương TP HCM
5. Liên hệ với các Công ty Dược phẩm và Thực phẩm, cùng bàn bạc, trao đổi, lập kế hoạch hoạt động của Hội.
6. Cùng Hội Thấp Khớp Học Việt nam thực hiện đề tài quốc gia về Dịch tễ học bệnh Loãng xương tại Việt Nam (dự tính thực hiện 2006–2008).
7. Tổ chức Hoạt động hưởng ứng Ngày Phòng chống Loãng xương Thế giới (World Osteoporosis Day) 20 tháng 9 hàng năm.
8. Liên hệ với Hội loãng xương TP Hà Nội để chuẩn bị tiến tới thành lập Hội loãng xương Việt Nam.
9. Tổ chức Sinh hoạt Khoa học với Chủ đề Dinh dưỡng và Sức khoẻ xương vào quý IV năm 2006.
10. Lên kế hoạch lập trang website của Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh
11. Chuẩn bị cho việc xuất bản sách về chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương. Theo đề xuất của GS. Nguyễn Văn Tuấn tựa đề sách có tên: “ Loãng xương: qui mô, chẩn đoán, và điều trị”. Dự kiến kế hoạch thực hiện như sau:
a. Lên kế hoạch và kêu gọi tác giả đóng góp bài viết cho sách từ tháng 9/2006 – 12 /2006.
b. Bản thảo: tháng 3/2007.
c. Biên tập và đưa in tháng 6/2007.
d. Xuất bản tháng 9/2007.
12. Tổ chức Hội nghị khoa học hàng năm: thời gian dự kiến là tháng 8 hăng năm với quy mô là đại hội mở rộng với sự tham gia của một số các tỉnh và thành phố lân cận.
13. Tổ chức khoá bồi dưỡng kiến thức và trao đổi kiến thức cho hội viên dự kiến tổ chức quý IV hàng năm.
14. Tham gia vào hoạt động của các Hội chuyên khoa có liên quan và Hội Y học TP. HCM.
15. Liên hệ và tham gia tích cực vào hoạt động của Hội Loãng Xương Thế giới.